NGHIÊN CỨU CỦA HAUS SPACE:
Đô Thị & Nông thôn – Yếu tố dung hòa trong thiết kế Nhà Ở để thích ứng điều kiện “Bình thường mới”.

Bài viết dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn của KTS. Lê Hậu - Founder của HAUS SPACE. Bài viết được tác giả viết năm 2020 sau giai đoạn Covid 19, anh chị đọc giả cần trao đổi hoặc tư vấn thêm vui lòng liên hệ với HAUS SPACE để chúng tôi có cơ hội tư vấn.

The article emphasizes the need to harmonize urban and rural elements in home design to adapt to the "new normal" post-pandemic. Homes should integrate green spaces, natural ventilation, and sustainability to enhance the connection between people and nature. Flexibility and creativity in living spaces are also crucial for adapting to social and environmental changes.

Đại dịch Covid tác động nhiều mặt đến cuộc sống người dân trong các đô thị lớn, thời gian giãn cách buộc mọi người phải ở nhà nhiều hơn, đó cũng là lúc mọi người quan tâm nhiều hơn đến chất lượng môi trường và không gian sống trong nhà ở gia đình trong thành phố.Bên cạnh đó, tốc độ độ thị hóa cao tại vùng ven và các tỉnh lân cận, nhiều dự án bất động sản theo hình thức phân lô dần tác động làm thay đổi cấu trúc không gian khu vực nông thôn và đặt ra nhiều yêu cầu mới trong công tác xây dựng, quy hoạch và thiết kế nhà ở nơi đây.Hai vấn đề nêu ra ở trên tuy khác nhau về vị trí, nhưng cùng chung một yêu cầu đặt ra trong điều kiện mới là làm sao đảm bảo được một không gian sống tiện nghi, an toàn (như ở đô thị) mà vẫn có nhiều không gian xanh trong nhà và phù hợp với thói quen sinh hoạt cởi mở (như ở nông thôn).Đó cũng là đề bài đặt ra mà HAUS SPACE thường xuyên giải quyết trong nhiều năm tư vấn thiết kế nhà ở. Trong phạm vi nhỏ của bài viết này, HAUS SPACE xin phép chia sẻ tóm tắt một vài lưu ý khi thiết kế nhà ở, để dung hòa các yếu tố trên nhằm tạo ra một không gian sống tốt phù hợp với điều kiện “bình thường mới” như sau:

1. CẤU TRÚC KHÔNG GIAN NHÀ Ở

Cấu trúc không gian nhà ở thể hiện qua cách bố trí các không gian chức năng (Khách, Bếp, Ăn, Sinh hoạt chung, Phòng ngủ…) và mối liên kết giữa chúng (Cầu thang, sảnh, hành lang…). Cấu trúc không gian nên được lưu ý tư duy trên cả chiều ngang (mặt bằng) và chiều cao (mặt cắt). Thường thì HAUS SPACE luôn tư vấn khách hàng khuyến khích xây dựng trên diện tích vừa đủ, không xây hết đất nhằm chừa chỗ cho sân vườn và nên giới hạn tầng cao ở 2 tầng là hợp lý, phù hợp với phạm vi di chuyển lên xuống cầu thang không quá nhiều.HAUS SPACE nhận thấy ở các dự án, chúng ta thường chú trọng thiết kế các khu chức năng, nhưng cấu trúc nhà ở lại thường được quyết định bởi dòng di chuyển (Follow) của người sử dụng các chức năng ấy. Do đó, sau khi liệt kê và phân chia các khu vực chức năng theo mức độ ĐỘNG (Khách, Bếp, Ăn, Sinh hoạt chung…) – TĨNH (Ngủ, thư giãn nghỉ ngơi, làm việc…), thì việc bố trí vị trí cầu thang (trước nhà, giữa nhà hay cuối nhà…), loại hình cầu thang (Thang chữ I, L, U, thang xoắn…) và tổ chức các sảnh, hành lang như thế nào là cực kỳ quan trọng.Một yếu tố nữa liên quan đến cấu trúc nhà mà chúng tôi cũng thường trao đổi và lựa chọn với khách hàng, đó là mức độ Đóng – Mở của khu vực bếp. Nhà ở nông thôn và thói quen truyền thống thường bố trí Bếp ở vị trí sau nhà và tách biệt với không gian phòng khách, nhưng cùng với sự phát triển của các thiết bị bếp hiện đại, thói quen và xu hướng sử dụng cũng dần thay đổi, đặc biệt là gia chủ là người trẻ và lối sống hiện đại, thì Bếp thường bố trí gần kề với khu vực Ăn và Khách, tạo nên một không gian mở thoáng đãng và gần gũi hơn. Đối với gia đình nhiều thế hệ nhiều, có quan điểm khác nhau về sự đóng mở của Bếp, một giải pháp dung hòa mà chúng tôi thường làm là mô hình Tam Giác (Khách – Bếp – Ăn), tạo 3 trục liên thông giữa Khách + Ăn và Ăn + Bếp và Bếp + Gian Bếp Ướt/ Sàn ướt. Mô hình này vừa đảm bảo sự đóng mở vừa phải, vẫn giữ sự liên kết về thị giác và công năng. Đặc biệt quan tâm đến khu Sàn ướt – Nơi nấu nướng những món nặng mùi, hoặc làm gà vịt,.. những dịp giỗ, tiệc. Rất phù hợp với thói quen giữa Người trẻ / Phụ huynh, dung hòa lối sống Thành Thị / Nông thôn…

2. YẾU TỐ CÂY XANH SÂN VƯỜN

Trong thời gian phải giãn cách tại nhà do Covid, thì mọi người mới thấy rõ hơn tầm quan trọng của yếu tố sân vườn, cây xanh, thiên nhiên trong không gian sống. Tiêu chí thiết kế của HAUS SPACE là thiết kế các phòng chức năng với diện tích vừa đủ nhu cầu sử dụng và dành khoảng trống còn lại cho cây xanh, sân vườn. Đó không phải là điều dễ dàng chấp nhận trong bối cảnh “tất đất tất vàng” ở thành phố. Tuy nhiên, bạn hãy tư duy theo hướng xem những khoảng trống này cũng là một khu vực chức năng hữu ích, không thể thiếu như những phòng khác. Rồi thời gian sử dụng sẽ trả lời cho bạn đó là quyết định đúng đắn. Hãy tưởng tượng, bạn đang thưởng thức ly cà phê nóng bên chiếc bàn gỗ nhỏ cạnh hồ cá, ánh nắng ban mai vừa lên xuyên qua bóng cây khế, vẽ nên bức tranh loang lỗ trên nền tường. Một cái cây không đơn thuần mang lại màu xanh cho không gian, mà nó còn là một thực thể sống có vòng đời, đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái và cả rụng lá, lụi tàn theo mùa. Do đó, một cây xanh trong nhà cũng là chỉ báo thời gian cho bạn, cùng vui buồn theo năm tháng.Tuy nhiên, cần thiết kế khu vực trồng cây một cách khoa học, tránh sự lạm dụng đến bất hợp lý, nhằm đảm bảo đủ ánh sáng và khoảng không để cây sinh trưởng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để gia chủ dễ dàng thao tác mỗi khi cần chăm bón.

3. THÍCH ỨNG VỚI KHÍ HẬU VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Khí hậu và điều kiện tự nhiên là yếu tố cơ bản định hình nên đặc điểm kinh tế xã hội và văn hóa của một vùng ( văn hóa gốc nông nghiệp / văn hóa gốc du mục), trong đó hình thức cư trú là một trong những biểu hiện rõ nét phản ánh cách ứng xử của con người nơi đó với môi trường tự nhiên.Đặc điểm khí hậu nước ta là nóng ẩm mưa nhiều, vốn đi lên từ nông nghiệp lúa nước với hình thức cư trú cộng đồng làng xã, lũy tre – cây đa – bến nước – sân đình. Yếu tố cộng đồng được xem trọng, thế nhưng có một nghịch lý là không gian công cộng, công viên cây xanh trong các đô thị Việt Nam là quá ít. Bù lại, chúng ta có thể thấy yếu tố ấy thể hiện qua “văn hóa hẻm phố” ở Sài Gòn. Một khúc hẻm được mở rộng, một ngã giao nhỏ, hay một khoảng lùi nhà đủ sâu,… cũng trở thành một không gian công cộng, cứ thế len lõi khắp thành phố.

Đi vào quy mô nhỏ hơn khi chúng ta xem xét đặc trưng của nhà ở thích ứng như thế nào với điều kiện khí hậu thời tiết. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta ngày xưa xây nhà thường có câu “Xây nhà hướng Nam, không làm cũng có ăn”, “Trước cau sau chuối”, rồi hình thức kiến trúc nhà ở ba gian, nhà quây quần vào một sân chung, nhà có mái hiên rộng, Cửa thượng song hạ bản,… Khi có cơ hội tìm hiểu sâu hơn, mới thấy kinh nghiệm xây dựng phản ánh rất rõ sự ứng phó linh hoạt của ông cha ta với tự nhiên, từ hình thức kiến trúc đến cấu tạo, vật liệu xây dựng… HAUS SPACE xin lược giản tóm tắt một vài đặc điểm có thể áp dụng vào kiến trúc nhà ở hiện đại như sau:

Hướng nhà/ hướng mở của không gian: tránh quay trực diện về hướng Tây nhằm giảm thiểu nắng nóng vào buổi chiều. Đa phần các khu vực nước ta đều nhận được hướng gió tốt từ Nam, hoặc Đông Nam. Hạn chế gió mùa Đông Bắc đối với khu vực Bắc Bộ. Trong thành phố, nếu như nhà buộc phải quây về hướng bất lợi, thì có thể giải quyết bằng giải pháp bao che kiến trúc như lam, bông gió, hoặc cây xanh…

Hiên nhà: đây là đặc điểm nổi bật và quan trọng đối với khí hậu nhiệt đới. Hiên nhà vừa có tác dụng hạn chế nắng chiếu và mưa tạt vào bên trong, vừa là một không gian đệm, tạo sự chuyển tiếp nhẹ nhàng cả về hoạt động sử dụng và ánh sáng… Đó cũng là lý do một phần giải thích vì sao Nhà Phố thường có ban công, mặt dù phần ban công không sử dụng thường xuyên, nhưng nó có tác dụng gián tiếp như một mái hiên che chở bảo vệ mảng cửa kính bên dưới. Hạn chế mặt kính tiếp xúc trực tiếp bên ngoài. Hiện nay khi thiết kế nhà ở, có nhiều nguồn tham khảo bổ ích từ các thiết kế của Châu Âu, Mỹ, Nhật và các nước ôn đới khác, nhưng phải ứng dụng một cách có chọn lọc sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam.

Trong các thiết kế của HAUS SPACE, chúng tôi cũng thường tạo ra các Hiên rộng, đủ đặt một bộ bàn ăn lớn hoặc là nơi sinh hoạt chung, là không gian đa năng cho các hoạt động nửa trong nhà nửa ngoài trời. Một nơi chuẩn bị cho dịp lễ giỗ, tiệc tùng, hay đơn giản là cho một buổi tối cùng ngồi uống rượu với nhóm bạn. Hiên này được liên kết với cảnh quan sân vườn, lý tưởng hơn với một hồ nước mang lại cảm giác mát mẻ, thoải mái, thư giãn cho gia chủ.

Mái nhà: Nhà ở nông thôn ngày trước thường lợp ngói trên hệ vì kèo gỗ. Các nhà phố và biệt thự hiện đại sau này lại thường đổ bê tông mái bằng. Mỗi hình thức đều có ưu nhược điểm riêng. Thêm một lựa chọn nữa mà ngày nay chúng tôi thường áp dụng, là đổ bê tông mái bằng để đảm bảo sự vững chãi với thời tiết (bão, lũ), sau đó kế hợp thêm hệ khung vì kèo thép lợp ngói để tạo độ dốc mái, chống nóng cho không gian bên dưới, giảm khả năng thấm dột (đặc biệt với khí hậu miền trung). Hoặc có thể đỗ bê tông mái dốc và kết hợp tạo li tô lợp ngói trên hệ mái dốc bê tông đó. Nên vẫn giữ một khu vực mái bằng (thường trên vị trí hệ trục phòng WC) để làm khu vực đặt bồn nước, hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời… Mái bằng kết hợp xử lý tạo đất trồng cây, cũng là một giải pháp tốt đối với nhà ở đô thị.

Thông thoáng tự nhiên: cũng là ưu tiên trong các thiết kế của HAUS SPACE nhằm mang ra sự đối lưu không khí, duy trì khí tươi, hạn chế ẩm mốc dịch bệnh và đồng thời giảm thiểu sử dụng năng lượng điện trong nhà. Không gian chung khuyến khích dùng thông gió tự nhiên thông qua giải pháp khe gió trên cửa, bông gió, lam… để đảm bảo khi nhà đóng cửa về đêm (hoặc khi trời mưa, khi cần an ninh), thì vẫn có sự thông khí. Khu vực này vẫn bố trí máy lạnh để dùng khi cần, nhưng chấp nhận sự thất thoát trong sự cho phép. Còn đối với phòng ngủ, thì dùng thông thoáng tự nhiên hay dùng máy lạnh thông qua sự điều tiết đóng mở của hệ cửa phụ (không nhất thiết là cửa chính, và có song cửa nếu cần an ninh).

TỔNG KÊT

Trên đây là một vài tóm tắt chính trong một đề tài lớn cần có sự nghiên cứu sâu hơn. Thiết kế nhà ở là một đề tài thú vị, với mỗi yêu cầu riêng là một biến số cần giải đáp và không có nhà nào giống nhà nào. Để có một thiết kế tốt, phù hợp với đặc điểm của từng lô đất và nhu cầu của từng gia đình, tốt nhất bạn nên thuê Kiến Trúc Sư, Nhà Thiết Kế có chuyên môn để tư vấn thiết kế. Đây là khoản đầu tư dài hạn, mà chỉ khi nhà xây xong, bạn vào ở, rồi mới thấy là khoản đầu tư này xứng đáng, mang lại giá trị vô hình. Sống trong một không gian an toàn, tiện nghi, thông thoáng và thoải mái, giúp bảo vệ sức khỏe, tái tạo năng lượng, là một nơi để bạn và gia đình muốn trở về, như vậy thì thật tốt phải không nào!

KTS. Lê Hậu

Sáng lập và KTS Chủ Trì tại HAUS SPACE

Bài viết dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn của KTS. Nếu anh chị đang tải lại vui lòng ghi nguồn bài viết là KTS Lê Hậu - HAUS SPACE và tag #HAUSSPACE để chúng tôi có cơ hội trực tiếp trao đổi và bàn luận bạn nhé. Nếu bạn có nhu cầu xây nhà, tư vấn thiết kế, giám sát và thi công xây dựng, vui lòng liên hệ chúng tôi tại: